• Email: iec@ieccorp.com.vn
  • Hotline: 0243 223 2276
  • Email: iec@ieccorp.com.vn
  • Hotline: 0243 223 2276

BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 01/2022

Ngày đăng: 14/01/2022 - Lượt xem: 417

     Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

     Ngày 23/12/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

     Theo quy định mới, việc xác định mức phạt tiền đối với 01 hành vi vi phạm hành chính (VPHC) cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

     Một là, khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ theo nguyên tắc 01 tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ 01 tình tiết tăng nặng.

     Hai là, mức phạt tiền cụ thể đối với 01 hành vi VPHC là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

 

Ảnh minh họa

      Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc lựa chọn áp dụng văn bản để xử phạt đối với hành vi VPHC được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đáng chú ý, trường hợp hành vi VPHC được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý Nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được Nghị định để áp dụng, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản nào được hướng dẫn như sau:

      Trước hết, nếu hành vi VPHC đã kết thúc, thì áp dụng Nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt. Đồng thời, nếu hành vi VPHC đang được thực hiện, thì áp dụng Nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

     Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

     Nâng gấp đôi mức phạt tiền đối với hành vi bạo hành trẻ em

     Nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

 

Ảnh minh họa

     Không chỉ nâng mức phạt đối với hành vi bạo lực với trẻ em, Nghị định này còn quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cố tình “làm ngơ”, vô trách nhiệm trước việc trẻ em bị bạo lực. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là công cụ pháp lý hiệu quả trong bảo vệ trẻ, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em.

     Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022, thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Điểm mới của Nghị định này là nâng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực với trẻ em so với nghị định cũ.

     Theo đó, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

     Các hành vi gồm: cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần theo Nghị định này cũng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

     Theo Nghị định này, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

     Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20-25 triệu đồng áp dụng cho các hành vi: dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định; bắt trẻ lao động trước tuổi, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm…

     Phạt đến 6.000.000 đồng nếu làm giả thẻ Căn cước công dân

     Đây là nội dung tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Ảnh minh họa

     Theo đó, Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

     Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau: (i) Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; (ii) Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; (iii) Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; (iv) Trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.

     Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

     Từ ngày 01/3/2022, thay đổi nhiều quy định về kinh doanh bất động sản

     Nghị định 02/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 6/1 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó có nhiều nội dung mới tác động đến hoạt động của thị trường bất động sản. Quy định mới về điều kiện kinh doanh bất động sản theo Nghị định 02 này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3 tới. Theo Bộ Xây dựng, Nghị định 02 có hiệu lực sẽ thay thế cho Nghị định 76/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 02 đã bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng nhằm đảm bảo phù hợp với điểm a,khoản 2, Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020.

 

Ảnh minh họa

     Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên) phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).

     Tuy đã bỏ yêu cầu quy định về số vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

     5 quy định mới xử phạt hành chính về đất đai

     Chính phủ ban hành Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Dưới đây là tổng hợp 05 điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định này.

 

Ảnh minh họa

     Thứ nhất, sửa đổi trường hợp chiếm đất (khoản 1 Điều 1)

     Bổ sung thêm điều kiện về trường hợp được xem là chiếm đất tại điểm c khoản 2 Điều 3: “Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp)”.

     Thứ hai, sửa đổi, bổ sung căn cứ tính số lợi bất hợp pháp (khoản 2 Điều 1): Khi sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; hi sử dụng đất lấn, chiếm; Khi chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện; Khi cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không đủ điều kiện;..

     Thứ ba, Sửa quy định phạt khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà không đủ điều kiện: “Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà người chuyển nhượng vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác”.

     Thứ tư, tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

     Thứ năm, bổ sung khoản 4 Điều 43 như sau: “Bãi bỏ điểm c khoản 2, điểm k khoản 3, khoản 5 Điều 4; khoản 4 Điều 38 và khoản 6 Điều 39 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP”.

     Nghị định này có hiệu lực từ ngày 06/01/2022.

     Ngoài ra, còn có các thông tư, quyết định và kế hoạch khác được ban hành


Các bài viết khác