Ngày đăng: 17/09/2021 - Lượt xem: 504
Ngày 26/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ hỗ trợ công nghệ như sau: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa;…
Đồng thời, hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và tối đa 70% tổng chi phí của một khóa quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; miễn phí truy cập và tham gia các bài giảng trực tuyến có sẵn trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;…
Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh. Mức chênh lệch lãi suất được ngân hàng Nhà nước cấp bù cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí
Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trường Mầm Non Bé Yêu IEC
Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Nghị định quy định: Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Về khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021-2022, Nghị định quy định: Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ những đối tượng không phải đóng học phí, những đối tượng được miễn, giảm học phí, cụ thể là có 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021 gồm 05 Chương, 18 Điều, hướng dẫn các nội dung về: điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; phương pháp xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; mẫu hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội là nhà đầu tư có tổng điểm các tiêu chí sau đây cao nhất với thang điểm 100, cụ thể: Tiêu chí về năng lực tài chính để thực hiện dự án từ 20 đến 30 điểm; Tiêu chí về giải pháp quy hoạch, kiến trúc từ 25 đến 25 điểm; Tiêu chí về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từ 10 đến 20 điểm; Tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở từ 5 đến 15 điểm; Tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng từ 5 đến 10 điểm.
Khu nhà ở xã hội IEC
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định về các mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ; thông tin các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong đó, Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có các nội dung chính như: Tên, địa chỉ của các bên; Các thông tin về nhà ở giao dịch; Giá mua bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua; Phương thức và thời hạn thanh toán; Thời hạn giao nhận nhà ở; Bảo hành nhà ở; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Cam kết của các bên; Chấm dứt hợp đồng; Các thỏa thuận khác; Giải quyết tranh chấp;…
Phải quan trắc công trình đang thi công có biểu hiện bất thường
Ngày 25/8/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BXD về hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng.
Theo đó, việc quan trắc công trình trong quá trình thi công xây dựng do nhà thầu thi công xây dựng tổ chức thực hiện trong các trường hợp sau: Theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt và thiết kế biện pháp thi công đã được chấp thuận; Khi công trình có biểu hiện bất thường như công trình bị sụt, trượt, lún, nghiêng, nứt… cần phải được quan trắc nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý hoặc ngăn ngừa sự cố công trình trong quá trình thi công xây dựng.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, các công trình dân dụng, công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ; công trình hạ tầng kỹ thuật phải tiến hành quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng gồm: nhà, kết cấu dạng nhà; công trình nhiều tầng có sàn; công trình có kết cấu nhịp lớn dạng khung cấp đặc biệt; công trình có kết cấu dạng cột, trụ, tháp cấp I trở lên; sân vận động, sân thi đấu các môn thể thao có khán đài; nhà thi đấu (các môn thể thao) cấp I trở lên.
Việc quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng được quy định trong quy trình bảo trì, bao gồm 02 nội dung chủ yếu: đối tượng quan trắc (các kết cấu chịu lực chính của công trình); và thông số quan trắc và giá trị giới hạn của các thông số này; thời gian quan trắc; chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã sát thực tế hơn
Thông tư 11/2021/TT-BXD được ban hành ngày 31/8/2021 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã nêu rõ về việc dùng đơn giá xây dựng của địa phương làm cơ sở xác định và quản lý trên địa bàn tỉnh. Việc lập dự toán theo đơn giá địa phương sẽ được phổ biến trong thời gian tới.
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu, giá xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Ảnh minh họa
Một trong những điểm mới của Thông tư 11 được ghi nhận thể hiện tại Điều 8 về quản lý, công bố giá xây dựng. Theo đó, đơn giá xây dựng công trình do UBND cấp tỉnh công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ là cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Thông tư cũng quy định rõ, giá vật liệu xây dựng được công bố phải phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố. Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường. Giá vật liệu xây dựng sẽ được công bố theo quý hoặc theo tháng.
Bên cạnh đó, đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định.
Hơn nữa, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị. Bộ cũng khuyến khích lựa chọn vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng và xác định chi phí đầu tư xây dựng cho công trình, dự án nhưng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu của dự án.
Như vậy, điểm nổi bật nhất của Thông tư 11 do Bộ Xây dựng mới ban hành là cách xác định chi chung, chi phí nhà tạm trong chi phí xây dựng công trình; quy định chặt chẽ hơn về việc công bố đơn giá xây dựng cho các địa phương, công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy. Đặc biệt, tại Thông tư này đã có thêm bảng đơn giá ngày công chuyên gia để xác định chi phí tư vấn.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Đã có Thông tư 12/2021/TT-BXD về định mức xây dựng
Ngày 31/8/2021, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư 12/2021/TT-BXD về việc ban hành Định mức xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Cụ thể, Bộ Xây dựng công bố 08 định mức xây dựng, gồm có: Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình; Định mức dự toán xây dựng công trình; Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình; Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ; Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng; Định mức sử dụng vật liệu xây dựng; Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.
Ảnh mỉnh họa
Trong đó, tập định mức dự toán xây dựng công trình bao gồm 13 chương được mã hóa thống nhất theo nhóm, loại công tác hoặc kết cấu xây dựng. Tập định mức dự toán khảo sát xây dựng bao gồm 10 chương được mã hóa thống nhất theo nhóm, loại công tác và các phụ lục kèm theo. Tập định mức dự toán xây dựng công trình bao gồm 04 chương được mã hóa thống nhất theo nhóm, loại công tác lắp đặt…
Do vậy, Bộ yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí của các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình
Thông tư 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.
Trong đó, phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng gồm 04 bước: Lập danh mục loại công trình xây dựng, xác định đơn vị tính suất vốn đầu tư; Thu thập số liệu, dữ liệu có liên quan; Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư; Tổng hợp kết quả tính toán, biên soạn suất vốn đầu tư. Nội dung cụ thể các bước được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Ảnh mỉnh họa
Đặc biệt cần lưu ý rằng khi xác định suất vốn đầu tư cho một nhóm, loại công trình xây dựng, thì thông tin cần thu thập tối thiểu phải từ 03 công trình xây dựng trở lên. Trường hợp không đủ số lượng công trình tối thiểu thì sử dụng tài liệu tổng kết, số liệu thống kê liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc kết hợp thông tin dữ liệu đã thu thập từ thực tế và khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có các công trình, dự án để xác định suất vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng quy định cụ thể về phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng (Phụ lục II); Phương pháp xác định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhạt hệ thống định mức (Phụ lục III); Phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng (Phụ lục IV); Phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng (Phụ lục V); Phương pháp đo bóc khối lượng công trình (Phụ lục VI).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Bảo trì công trình chi phí bao nhiêu thì phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-BXD vào ngày 08/9/2021 hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng quy định tại Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Thông tư này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thường xuyên và vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Ảnh mỉnh họa
Theo đó, chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định bằng dự toán bao gồm: chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm; sửa chữa công trình; tư vấn phục vụ bảo trì, chi phí khác và chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình.
Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì dự toán được xác định theo Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng.
Thông tư cũng nêu rõ, chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình. Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì xác định bằng 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác…
Một trong những nội dung được chú ý tại Thông tư này là việc sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình và xác định bằng 3,5% tổng chi phí thực hiện công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác quy định.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Bãi bỏ nhiều loại thủ tục hành chính liên quan phát triển đô thị
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định 960/QĐ - BXD về việc công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực phát triển đô thị thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/8/2021.
Theo Quyết định này, Bộ Xây dựng công bố bãi bỏ 05 thủ tục hành chính cấp Trung ương, bao gồm:
Ảnh mỉnh họa
Ngoài ra, Bộ Xây dựng bãi bỏ 4 thủ tục hành chính cấp tỉnh như: Chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án bảo tồn, tôn tạo khu đô thị; dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; Điều chỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án bảo tồn, tôn tạo khu đô thị; dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh;…
Quyết định hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ người dân, trong đó có trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Theo số liệu thống kê của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 đã có 11.822 trẻ em là F0 và 27.334 trẻ em là F1. Dịch bệnh khiến trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, thậm chí nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân chăm sóc do cha, mẹ phải điều trị, cách ly hoặc tử vong do nhiễm COVID-19.
Ngày 08/9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia về trẻ em, đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ em.
Đồng thời, hỗ trợ 2.000.000 đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Ảnh mỉnh họa
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm COVID-19 cho trẻ em; ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế; quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho trẻ em thuộc đối tượng nêu trên nhận được các chính sách hỗ trợ.
Yêu cầu mới về phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trường xây dựng
Ngày 6/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản hỏa tốc số 2917/UBND-SXD gửi các sở, ban quản lý dự án của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trường xây dựng trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Theo đó, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình xây dựng như sau:
Đối với Vùng 1:
Phải tạm dừng thi công tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình sau: Công trình xây dựng phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch; công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án đầu tư trọng điểm của thành phố; công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng; công trình xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai thi công xây dựng; dự án, công trình trọng điểm, cấp bách đã được UBND thành phố, UBND cấp huyện cho phép hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 24/7/2021 đến hết ngày 5/9/2021. Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng; trường hợp đủ điều kiện, tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án, công trình nêu trên phải xây dựng phương án, kịch bản, kế hoạch thi công bảo đảm phòng, chống dịch theo tài liệu "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng" của Bộ Xây dựng, gửi UBND cấp huyện nơi có công trình kiểm tra, xác nhận trước khi gửi Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu cho UBND thành phố xem xét, quyết định việc cho phép các công trình được tổ chức thi công.
Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình xây dựng.
Đối với Vùng 2, Vùng 3:
Quán triệt, thực hiện đúng Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Các dự án, công trình được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng (theo quy định của Luật Xây dựng) bảo đảm các tiêu chí, nguyên tắc được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại văn bản số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 và có phương án, kế hoạch thi công của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch được UBND cấp huyện xác nhận, thì được triển khai thi công xây dựng và chỉ được triển khai thi công sau khi phương án, kế hoạch thi công bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch được UBND cấp huyện xác nhận.
Đối với các dự án, công trình đã được UBND thành phố, UBND các quận huyện, thị xã cho phép hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 24/7/2021 đến ngày 5/9/2021 thì chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án, công trình nêu trên phải cập nhật, hoàn thiện phương án, kịch bản, kế hoạch thi công bảo đảm phòng, chống dịch theo "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng" của Bộ Xây dựng gửi UBND cấp huyện nơi có công trình kiểm tra, xác nhận lại trước khi tiếp tục thi công.
Ngoài ra, việc di chuyển người và vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ thi công và sinh hoạt trên công trường giữa các vùng khác nhau phải tuân thủ các biện pháp kiểm tra, kiểm soát y tế chặt chẽ theo quy định phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố.