Ngày đăng: 24-05-2018 - Lượt xem: 577
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100). Theo đó, lãi suất ưu đãi sẽ là 4,8%/năm (0,4%/tháng).
Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng giám đốc NHCSXH cho biết, tới thời điểm này, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 chính thức sẵn sàng giải ngân cho những khoản vay đầu tiên.
Về mức lãi suất 4,8%/năm, theo ông Nguyễn Văn Lý, người vay bao giờ cũng muốn được vay với lãi suất thấp. Nhưng lãi suất thấp quá thì ngân sách Nhà nước phải bù lỗ nhiều. Khi phải bù lỗ nhiều cũng gây áp lực ngược lại ngân sách và khiến nguồn vốn bố trí cho vay có thể sẽ thấp đi và ít người được vay.
Theo tính toán của NHCSXH thì đây là chương trình cho vay dài hạn. Chính phủ cũng đã đặt ra nguyên tắc khung là lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa bằng hoặc không vượt quá 50% lãi suất của các tổ chức tín dụng cho vay cùng loại với kỳ hạn trung và dài hạn.
Trên cơ sở khung lãi suất đó thì hiện nay, lãi suất của các ngân hàng thương mại có tham gia cho vay nhà ở xã hội là 5%/năm nên NHCSXH tính toán đề xuất các bộ, ngành trình Chính phủ mức lãi suất cho vay 4,8%/năm.
“Lãi suất cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành theo từng năm một. Nhìn trên tổng thể, chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay trong năm 2018 ở mức 4,8%/năm là hợp lý”, lãnh đạo ngân hàng khẳng định.
Về công tác chuẩn bị nguồn vốn để giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội, ông Lý cho biết, trong năm 2018 này, ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, thành tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng.
Còn theo kế hoạch duyệt của Chính phủ từ nay đến năm 2020, tổng nguồn vốn Chính phủ cấp cho NHCSXH là 1.163 tỷ đồng và ngân hàng sẽ phải huy động đối ứng thêm một khoản tương ứng.
Như vậy, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng.
“Nếu dựa trên báo cáo các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thì nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội năm nay là khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn kế hoạch Bộ Xây dựng và chúng tôi tính toán thì nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đến năm 2020 có thể lên tới 18.000 tỷ đồng.
Chúng ta cũng phải rất chia sẻ vì nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay của chúng ta có hạn trong khi có rất nhiều chương trình mục tiêu khác nữa. Trước mắt, có nguồn vốn là 1.000 tỷ đồng ngân hàng sẽ phân bổ về cho các địa phương triển khai cho vay. Ví dụ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được phân về mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng; Bắc Giang 30 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng…”, ông Lý cho hay.
Dù được vay vốn với lãi suất thấp, nhưng hiện vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến việc người vay vốn phải gửi tiết kiệm tại NHCSXH tối thiểu 12 tháng.
Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc NHCSXH, thì chỉ sau khi thủ tục bình xét cho vay xong và xin ký hợp đồng tín dụng thì người vay mới chính thức phải gửi tiền tiết kiệm. Có nghĩa khi chắc chắn khách hàng sẽ ký hợp đồng vay thì mới bắt đầu gửi tiết kiệm.
“Khi vay thì khách hàng nhận một khoản tiền lớn để chuyển cho các hợp đồng mua nhà ở xã hội. Trong khi tiền gửi tiết kiệm này là trích từ thu nhập của người vay hàng tháng. Và trong thời gian tối thiếu 1 năm người vay gửi tiết kiệm thì đổi lại chúng tôi ân hạn không thu nợ ngay khoản vay của khách hàng.
Số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi càng nhiều càng tốt nhưng phải tối thiểu bằng số tiền trả nợ hàng tháng của một năm. NHCSXH cũng thiết kế lãi suất tiền gửi tiết kiệm này bằng lãi suất cho vay trong năm đó, như hiện nay là 4,8%/năm. Những quy định gửi tiết kiệm như vậy theo chúng tôi thì khách hàng không gặp khó khăn gì vì đó là tiền tiết kiệm hàng tháng của khách hàng”, lãnh đạo ngân hàng nói.
Theo Trần Thúy.
BizLive.