NGHỊ QUYẾT 116/NQ-CP VỀ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
Ngày đăng: 25/10/2021 - Lượt xem: 413
Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở thời điểm hiện tại, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, nhiều đối tượng được giúp đỡ kịp thời đảm bảo cuộc sống cơ bản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Nghị quyết, NLĐ sẽ được hỗ trợ một khoản tiền nhất định căn cứ vào thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.
Tuy nhiên các đối tượng được hỗ trợ sẽ giới hạn trong phạm vi nhất định:
Một là, NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Hai là, NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Ảnh minh họa
Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020, rơi vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 116/NQ-CP còn giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021 từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Giảm tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ngày 25/9/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quy định này áp dụng cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (sau đây gọi là người thuê đất), cụ thể là giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 và áp dụng mức giảm này đối với cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và
trường hợp người thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa
Mức giảm này được tính trên tiền thuê đất phải nộp năm 2021. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định.
Người thuê đất nộp 01 bộ hô sơ đề nghị giảm tiền thuê đất cho cơ quan thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, cơ quan khác kể từ 25/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 01/01/2022 trở về sau thì không được giảm tiền thuê đất. Mức giảm tiền thuê đất quy định ở trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định giá bán nhà ở xã hội trong 30 ngày
Bộ Xây dựng vừa có Quyết định 1039/QĐ-BXD ngày 13-9-2021 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định giá bán, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên phạm vi địa bàn tỉnh.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội - Ảnh minh họa
Cụ thể, chủ đầu tư trực tiếp nộp một bộ hồ sơ đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án để đề nghị tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do mình đầu tư xây dựng. UBND cấp tỉnh giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá của địa phương thực hiện việc thẩm định. Trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở xã hội và đã được kiểm toán về chi phí của dự án theo quy định thì Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá có thể căn cứ vào báo cáo kiểm toán để thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của dự án.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá có trách nhiệm tổ chức thẩm định, có văn bản thông báo kết quả thẩm định cho chủ đầu tư, trong đó nêu rõ các nội dung đồng ý và nội dung cần chỉnh sửa (nếu có). Trên cơ sở đó, chủ đầu tư ban hành giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của dự án trên nguyên tắc không được cao hơn giá đã được thẩm định.
Quyết định 1039/QĐ-BXD cũng nêu rõ việc thực hiện thủ tục hành chính trên hoàn toàn không mất phí, lệ phí.
Siết công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Đây được coi là “chìa khóa” chấm dứt tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư vốn kéo dài và diễn ra gay gắt trong thời gian qua.
Ảnh minh họa
Theo Chỉ thị số 02/CT-BXD, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định. Kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.
Sở Xây dựng tại các địa phương tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Các chủ đầu tư, có trách nhiệm mở một tài khoản thanh toán có kỳ hạn để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định. Sau đó có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng biết tên tài khoản, số tài khoản, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền. Khi ban quản trị được thành lập thì bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định, đóng tài khoản đã lập và có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng.
Chỉ thị 02 cũng nghiêm cấm chủ đầu tư có các hành vi như chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đáng chú ý đối với ban quản trị nhà chung cư, Bộ Xây dựng yêu cầu "không được kích động người khác gây mất trật tự, an ninh tại khu vực nhà chung cư". Đồng thời phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ nhà chung cư, không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.
Miễn tiền chậm nộp thuế cho người gặp thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ
Đây là quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Thông tư 80 quy định đối với người nộp thuế gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (quy định tại điểm a khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế), số tiền chậm nộp được miễn là số tiền chậm nộp còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).
Đối với người nộp thuế gặp trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, thì số tiền chậm nộp được miễn là số tiền chậm nộp còn nợ tại thời điểm xảy ra tình trạng bất khả kháng khác và không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).
Về trình tự, thủ tục để được miễn tiền chậm nộp, người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Thuế phải thông báo bằng văn bản theo mẫu đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế ban hành thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp không thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp.
Mức hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 cho học sinh tại Hà Nội
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND quy định về cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Học sinh Hà Nội sẽ được hỗ trợ học phí năm học mới
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ học phí là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố Hà Nội; học viên đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mức hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 bằng 50% mức học phí hàng tháng của năm học 2021-2022 do HĐND Thành phố quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học sau khi đã thực hiện chính sách giảm học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và các văn bản quy định khác có liên quan,
Cụ thể, đối với cấp học nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 05 tuổi, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT) tại khu vực thành thị sẽ được hỗ trợ 108.500 đồng/tháng học tại trường; 81.400 đồng/tháng học online.
Đối với trẻ em mầm non 05 tuổi, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS tại khu vực thành thị sẽ được hỗ trợ 77.500 đồng/tháng học tại trường; 58.100 đồng/tháng học online.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra các mức hỗ trợ với đối tượng đã được hưởng chế độ giảm 70% học phí với mức cao nhất là 32.600 đồng/tháng, thấp nhất là 2.200 đồng/tháng.
Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian học sinh học thực tế (bao gồm thời gian học theo hình thức trực tiếp, trực tuyến), tối đa không quá 09 tháng/nă